Gyantse còn có một công trình mà không nơi nào trong cao nguyên mênh mông Tây Tạng có được, đó là đền Kumbum nằm bên cạnh Palkhor. Đền này được xây dựng năm 1436 gồm có 9 tầng, 108 cửa và 77 khám thờ. Toàn bộ đền có khoảng 100.000 hình tượng Phật, Bồ-tát, hộ pháp..., nên nó được mệnh danh là "đền thập vạn Phật". Đền được nghệ nhân Tây Tạng và Nepal xây dựng, nhìn từ xa người ta thấy cặp mắt Phật, vẽ theo kiểu Nepal. Sở dĩ đền này được gọi là man-đa-la ba chiêu vì nó biểu trưng cho quan niệm về vũ trụ của Phật Giáo Tây Tạng. Các đền thờ Tây Tạng đều có năm phần, tượng trưng cho năm yếu tố xây dựng nên vũ trụ.
Hồ muối ChakaPhần dưới của đền hình khối, tượng trưng cho yếu tố "đất", bền vững, ổn định. Đó là yếu tố của các chất đặc, nặng, là nền móng của mọi sắc hình. Trên hình khối là hình cầu, có khi hình bán cầu. Hình cầu tượng trưng cho yếu tố "nước", sự luân chuyển, sự di động. Ngược lại với đất, nước có tính bất định và trôi chảy. Trên hình cầu là một hình nón cụt. Hình nón cụt tượng trưng cho "lửa", dáng của nó giống ngọn lửa hướng về phía trên. Trên hình nón cụt là những dĩa, mặt dĩa ngửa về phía trên, nhìn ngang giống như hình bán cầu. Những dĩa tròn này tượng trưng cho "gió" hay không gian. Cuối cùng nằm trên tất cả là một chấm tròn hình nhọn như lửa tượng trưng cho "thức".
Từ xa đền Kumbum cho thấy nó được xây dựng theo kiến trúc nói trên. Hình khối phía dưới có năm tầng sơn trắng. Phần hình cầu tượng trưng cho yếu tố nước được xây bằng hình ống tròn với bốn cửa sổ. Phần trên là mái điện thếp vàng với bốn cặp mắt Phật nhìn ra bốn phía.
Người nước ngoài vào thăm đền hẳn sẽ lạc lối với hàng chục ngàn tranh tượng Phật, mỗi vị có một chút khác biệt. Đối với họ chỉ có một vị Phật lịch sử Thích-ca mâu-ni. Phật tử tiểu thừa hay cả đại thừa, trong số đó có tôi, cũng không dễ hiểu tất cả tranh tượng ở đây. Thế nhưng nếu ta hiểu rằng, hệ thống "ba thân" - Pháp thân, Báo thân và Ứng thân - trong Kim cương thừa đóng vai trò quan trọng bậc nhất trong triết lý về vũ trụ của Phật Giáo Tây Tạng, ta có thể hiểu các tranh tượng và man-đa-la trong đền Kumbum đều được xếp đặt có thứ tự. Cho nên, bên cạnh quan niệm "năm yếu tố" trong công trình Kumbum đã nói ở trên, ta cần hiểu đền này diễn tả thêm ba dạng xuất hiện của Phật tính trong ba thân, Ứng thân, Báo thân và Pháp thân. Đó là lý do mà các sách vở ghi rằng, đi một vòng Kumbum từ dưới lên trên là đi một vòng, từ vòng tử sinh luân hồi đến Niết-bàn.
Các tầng dưới cùng của điện Kumbum diễn tả hình tướng các vị Phật và Bồ-tát trong dạng Ứng Thân, đó là các vị đã sống thật trên trái đất này như Thích-ca mâu-ni và các đệ tử của Ngài. Người ta có thể nhận ra điều đó qua áo quần, bình bát, cây bồ-đề...Các bức bích họa diễn tả đời sống của Ngài cách đây 2500 năm. Kể cả các tiền kiếp của Phật cũng được xếp vài loại Ứng thân.
Trên những tầng cao hơn là dạng Báo thân của Phật. Đó là những hình tượng diễn tả các vị giác ngộ trong một thế giới khác, trong các cõi Tịnh độ. Đó là hình ảnh của Phật trong kinh Hoa Nghiêm, Lăng Nghiêm, Pháp Hoa với vô số hào quang và bảo vật. Quan trọng nhất, trong dạng Báo thân, các vị Phật xuất hiện thông qua những "mẫu hình cơ bản" [19] của vũ trụ. Đó là năm dạng cơ bản của tâm thức. Vũ trụ quan của Kim cương thừa quan niệm mọi hiện tượng tâm vật trong thế gian đều được xếp thành năm "họ" mà đứng đầu năm họ đó là năm vị Ngũ phương Phật. Nơi đây ta gặp hình tướng năm vị Phật mà đại thừa ít nhắc tới, đó là các vị Đại Nhật, Bất Động, Bảo Sinh, A-di-đà và Bất Không Thành Tựu.
Các dạng này cần được hiểu như năm khía cạnh của Phật tính, năm dạng này cũng như những màu của ánh sáng mặt trời bị tách ra khi đi qua một lăng kính. Năm vị Ngũ phương Phật đó vì thế cũng có năm màu sắc khác nhau. Lý do là màu sắc cũng như các loại hình cơ bản khác như năm hướng, ngũ uẩn, năm trí, năm yếu tố (nói trong chương trước) đều được xếp trong các họ đó. Quan niệm về các mẫu hình cơ bản là hết sức sâu sắc và đóng vai trò quan trọng trong nền tâm lý học hiện đại.
Trên tầng cao hơn của Báo thân là dạng Pháp thân với các hình tượng các vị A-đề Phật (Adibuddha) hay Bản sơ Phật. Pháp thân thường được hình dung như một cái gì vô hình vô tướng, không biến hoại. Thế nhưng đối với Kim cương thừa, Pháp thân có thể hóa hiện thành các vị A-đề Phật để giáo hóa mà phái Ninh-mã gọi là Phổ Hiền, phái Cam-đan gọi là Kim cương tát-đỏa (Vajrasattva), phái Cách-lỗ gọi là Kim cương trì (Vajradhara). Trên tầng cao nhất của Kumbum ta thấy một bức tranh trình bày Kim cương trì.