==HOTLINESHOW==  ==HOTLINESHOWOTHER==

Trước đây Gyantse là đô thị nối giữa Lhasa và Shigatse, nhưng hiện nay nó không còn đóng vai trò quan trọng sau khi một con đường khác mới được xây, chạy dọc theo thung lũng Yarlung Tsanpo, nối liền hai đô thị nói trên. Thế nhưng Gyantse từng là thủ phủ một thời thịnh trị, số phận của nó liên hệ mật thiết đến phái Tát-ca(Sakyapa). Gyantse một thời lại là một trung tâm thương mại của Tây Tạng và cũng vì thế mà Gyantse bị người Anh tiến hành một cuộc xâm lược đổ máu vào năm 1904. 

Hệ Thống Sông Hồ Quan Trọng Hệ Thống Sông Hồ Quan Trọng

Ngày nay Gyantse là một đô thị buồn tẻ và đầy bụi bặm. Khách đến đây là để đi thăm tu viện Palkhor và ngôi đền Kumbum, man-đa-la vĩ đại ba chiều.

Palkhor là một đại tu viện nằm trên sườn một ngọn đồi mà chạy dọc trên đỉnh đồi là một bức tường thành chạy dài bao bọc xung quanh. Palkhor là một tổng thể gồm 16 tu viện. Trước đây Tây Tạng có ý định biến Palkhor  thành một đô thị riêng biệt của tu viện. Cách mạng văn hóa đã đưa những hồng vệ binh trẻ tuổi lên đây và phá hủy hầu hết các công trình. Ngày nay đến đây khách thăm quan khó mà ngờ ngày xưa đây là chỗ tập hợp của rất nhiều tăng sĩ, và quan trọng nhất đây là chỗ mà ba giáo phái Tây Tạng cùng nhau tu học. Đã đến lúc tôi phải xem lại lịch sử của bốn giáo phái lớn của Tây Tạng, đó là Ca-nhĩ-cư, Ninh-mã, Tát-ca và Cách-lỗ.

Như trong một chương trước đã nhắc tới, giáo phái Ca-nhĩ-cư được Marpa truyền qua Tây Tạng khoảng thế kỷ thứ 11. Giáo pháp này bắt nguồn từ Phổ Hiền. Phổ Hiền trong Ca-nhĩ-cư không phải là bồ tát Phổ Hiền trong Phật giáo Trung Quốc mà là hóa thân của Pháp thân. Phổ Hiền truyền cho Tilopa và Tilopa truyền cho Naropa. Marpa, học trò của Naropa, lĩnh hội phép Đại thủ ấn và Du-già lục pháp tại vùng đất thiêng Bihar Ấn Độ. Giáo pháp này chú trọng đến phép truyền tâm, trực tiếp từ đạo sư đến học trò. Ngày nay phái Ca-nhĩ-cư vẫn còn tồn tại với tên Drukpa-Kagyu và Drigung-Kagyu.

Phái thứ hai là Ninh-mã (Nyingmapa), được xem là phái cổ nhất Tây Tạng. Phái này thống nhất truyền thống tu tập của Liên Hoa Sinh và của các tăng sĩ có tiếng khác như Vimalamitra và Vairocana. Phái Ninh-mã có những bí pháp quan trọng như Đại Du-già (Maha-Yoga), A-nậu du-già (Anu-Yoga) và A-tì du-già (Ati-Yoga), Đại cứu kính (Dzogchen). Hiện nay phép Đại cứu kính được một số lạt-ma truyền bá tại phương tây.

Phái thứ ba là Tát-ca mà tên Tây Tạng là Sakya. Sakya nghe ra gần giống với Sakyamuni (Thích-ca mâu ni) nhưng thực ra không liên quan gì cả. Sakya trong Tạng ngữ có nghĩa "đất xám", đất chưa được cày bừa canh tác. Phái này được thành lập từ năm 1073, đó là năm mà đền Sakya nổi tiếng được xây dựng, theo khải thị của A-đề-sa. Phái này nổi tiếng là nghiên cứu kinh sách nghiêm túc, biện luận xuất sắc. Người luận giải quan trọng nhất có lẽ là Buton (1290-1364), kẻ đã xếp đặt hệ thống kinh điển của Tây Tạng lại có thứ tự trong hai đại tạng Kanjur và Tanjur. Kanjur và Tanjur được tất cả các giáo phái của Tây Tạng thừa nhận là chính qui và có thẩm quyền chung.

Buton lập ra hẳn một bộ phái tên là Shalupa. Phái Tát-ca lại có thêm một yếu tố nữa là liên hệ đến chính trị và triều đình Mông Cổ. Như ta đã biết, nhà vua Mông Cổ Hốt Tất Liệt hậu đãi một vị tăng sĩ Tây Tạng như thần tiên, đó chính là Phát-tư-ba (Phagpa, 1235-1280), một vị sư trưởng của phái Tát-ca. Hốt Tất Liệt phong cho trường phái Tát-ca là kẻ nắm quyền Tây Tạng, điều đó xảy ra khoảng cuối thế kỷ thứ 13, đầu 14. Chế độ tăng lữ có thể được xem bắt đầu từ đây và đó là thời gian mà Gyantse được xây dựng, nó được xem là thủ phủ của Tây Tạng suốt một thời gian khoảng 80 năm. Tát-ca đóng vai trò quan trọng trong các thế kỷ sau và ảnh hưởng lên cả Tông-khách-ba, người ra đời năm 1357 và cũng là người sáng lập ra phái thứ tư, phái Cách-lỗ.

Đại sư Tông-khách-ba được gọi là "nhà cải cách" vì là người soát xét lại toàn bộ kinh điển và tổng kết thành quả của mình trong hai bộ luận chính: Bồ-đề đạo thứ đệ (Lamrim Chenmo) và Chân ngôn đạo thứ đeä (Ngagrim Chenmo). Phái Cách-lỗ do Tông-khách-ba sáng lập sau này và vì thế mà có tên "tân phái" trong lúc ba phái kia được gọi là "cựu phái". Tăng sĩ phái Cách-lỗ đội mũ vàng như Tông-khách-ba, chú trọng đến Luật tạng và giữ giới luật nghiêm minh. Phép tu quan trọng của Cách-lỗ là cân đối giữa Chỉ và Quán để đạt Định, phát triển trí huệ và bồ-đề tâm. Như ta biết các vị tăng sĩ trong dòng Đạt-lai và Ban-thiền đều thuộc phái Cách-lỗ và kể từ cuối thế kỷ thứ 16, các vị Đạt-lai nắm quyền chính trị trong tay, tương tự như các vị Tát-ca trong cuối thế kỷ 13.

Bốn tông phái nói trên của Tây Tạng thật ra rất gần nhau về mặt lý thuyết cơ bản, họ tôn trọng và học hỏi lẫn nhau. Cái khác của họ phần lớn là xuất phát từ những dòng truyền tâm, từ những quan hệ riêng biệt giữa thầy trò, rất đặc trưng của Kim Cương thừa. Thật ra tính đa nguyên tôn giáo đã có truyền thống lâu dài tại Tây Tạng. Cụ thể là khi Hốt Tất Liệt đề nghị với Phát-tư-ba hãy cấm các tông phái khác hoạt động thì Phát-tư-ba đã từ chối yêu cầu độc đoán đó, cho rằng điều đó không phù hợp với "Pháp". Bản thân Tông-khách-ba cũng học tập với các vị sư trưởng của phái Tát-ca. Vị Đạt-lai thứ năm, thuộc dòng Cách-lỗ nhưng rất gần với phái Ninh-mã. Đó là những biểu hiện sinh động của lòng kính trọng lẫn nhau của các giáo phái.

Vì thế tại Gyantse, trong tổng thể Palkhor ta có ba tu viện của Shalupa, bốn của Tát-ca và chín của Cách-lỗ. Đặc biệt ta tìm thấy chính điện rất lớn dành chung cho tất cả các môn phái với rất nhiều khám thờ, được xây dựng năm 1418.

Đi vào chính điện, đi ngang trước những ngọn đèn mỡ trâu. Trên bàn thờ là từng nhóm bảy chén nước theo cách cúng dường của người Tây Tạng, được xếp chỉnh tề. Một người phụ nữ còn trẻ đang châm dầu vào đèn để ánh sáng không bao giờ tắt, đó là loại mỡ trâu do họ tự mình chọn lựa và đi bộ đường xa đem tới tu viện. Đó là điều duy nhất mà những người nghèo khổ Tây Tạng có thể cúng dường các bậc giác ngộ.

Lòng ân cần của họ đối với "Pháp" được thể hiện giản đơn như thế nhưng nó quí hơn hành động của những kẻ bố thí hàng trăm lần nhiều hơn về vật chất nhưng tâm thiếu tỉnh giác, lòng không rộng mở. Ra khỏi Lhasa, du khách càng mới thấy rõ nước Tây Tạng rất nghèo, người dân không có gì hơn ngoài một niềm tin tôn giáo mãnh liệt, một sự tự dâng hiến trọn vẹn. Ở trong mọi tu viện, nơi đâu tôi cũng thấy những người tự nguyện đi châm dầu cho đèn được sáng mãi, thay nước cho bàn thờ luôn luôn được thanh tịnh. Tại đô thị Gyantse đang tàn tạ này, trong tu viện Palkhor đã bị cách mạng văn hóa phá hoại nặng nề này, vẫn không bao giờ thiếu niềm tin đó.

Đô Thị Gyantse Tây Tạng

Đô Thị Gyantse Tây Tạng
52 5 57 109 bài đánh giá
==HOTLINESHOW==