Manasarovar là một hồ nước nằm dưới chân rặng núi Gurla Mandata quanh năm tuyết phủ. Hồ còn được gọi với tên gọi khác là Hồ Mặt Nhật vì có hình dáng gần giống mặt trời. Đây là một trong những hồ có trữ lượng nước ngọt lớn nhất Tây Tạng. Nước ở hồ này là do băng tan từ Gurla Mandata và Kailash tạo nên. Nước hồ trong đến mức có thể nhìn thấy được cả những viên sỏi bên dưới.
Đô Thị Gyantse Tây TạngManasarovar là hồ nước ngọt tọa lạc ở vị trí cao nhất thế giới. Hồ nằm ở độ cao 4580m so với mực nước biển, chu vi 88km, diện tích 412km² và điểm sâu nhất tới 82m.
Hồ Manasarovar nổi tiếng về sự linh thiêng và được coi là một trong những hồ thánh ở Tây Tạng. Theo truyền thuyết, uống nước hoặc tắm trong hồ này “sẽ rửa sạch những ô nhiễm và khóa cánh cửa phải tái sinh trong các cõi thấp kém”. Do vậy, hàng năm khách hành hương từ Ấn Độ, Tây Tạng, Népal, Butan và các nước Âu Mỹ kéo đến khá đông. Họ cắm trại quanh hồ để cầu nguyện, tụng kinh, đi thiền hành và tắm... Có 7 tu viện lớn của mật tông Tây Tạng ở chung quanh và một số nhà nghỉ nhỏ để phục vụ cho khách hành hương.
Ngắm Manasarovar vào buổi bình minh và hoàng hôn là một may mắn lớn của đời người hành hương. Bình mình lên, bầu trời ửng hồng đằng sau rặng núi tuyết trắng phau. Trên bờ hồ, những tín đồ lặng lẽ ngồi thiền định. Rồi bầu trời sáng dần lên, trong xanh đến bàng hoàng, từng đàn chim trời vỗ cánh bay lượn trên mặt hồ tĩnh lặng và lướt qua tu viện Chiu Gompa trên núi cao, nơi được tin là Guru Padmasambhava (Liên Hoa Sinh) đã từng tu tập và thiền định.
Hồ Manasarovar thông với một hồ có tên gọi Rakshastal bởi một lạch nước nhỏ. Hồ Rakshastal còn gọi là Hồ Mặt Nguyệt, Hồ Dạ Xoa .. vì có hình dáng giống Mặt Trăng và không khí quanh hồ luôn ảm đạm, buồn bã. Rakshastal có diện tích 250km2 và nằm thấp hơn so với Manasarovar khoảng 20m.