Lễ cầu nguyện Monlam, một trong những lễ hội Phật giáo lớn nhất ở Tây Tạng, thu hút hàng ngàn Phật tử mộ đạo và khách thăm quan hiếu kỳ.
Các Lễ Hội Đa Sắc Màu Ở Tây Tạng
Lễ hội bao gồm việc các Lạt-ma tụng kinh, đánh trống và khách hành hương tụng kinh tại tu viện Labrang ở tỉnh Cam Túc của Tây Tạng. Tu viện Labrang xây dựng vào năm 1709, là một trong 6 tu viện lớn của phái Mũ vàng. Lễ hội được tổ chức trong tháng Giêng âm lịch theo lịch Tây Tạng. Thu hút nhiều sự chú ý nhất có lẽ là tấm thangka lớn, một bức tranh Đức Phật thiêng liêng được thêu trên vải lụa, được mang ra mỗi năm.
Việc chiêm ngưỡng tia sáng mặt trời đầu tiên chiếu vào tấm thangka 20x30 mét của tu viện Labrang được cho là mang lại phước lành cho người xem, những người sau đó sẽ đặt một chiếc khăn bên cạnh bức tranh. Nghi lễ đặc biệt này cũng được biết đến là "lễ hội tắm nắng Đức Phật", là một phần của đại lễ Monlam.
Lễ hội Monlam được tiến hành lần đầu tiên ở Tây Tạng vào năm 1409 bởi ngài Tông Khách Ba, người sáng lập và là Lạt-ma đầu tiên của phái Mũ vàng. Monlam được tổ chức trên khắp Tây Tạng cũng như ở Bồ Đề Đạo Tràng ở Ấn Độ, nơi Đức Phật đạt được giác ngộ.
Một số nghi lễ khác tạo nên một phần của lễ hội, trong đó bao gồm một loạt các hoạt động tôn giáo tại tu viện, được tiến hành bởi các nhà sư và sự tham gia của các tín đồ. Phóng sinh và vũ điệu Cham sống động với các vũ công đeo mặt nạ cũng được diễn ra. Các nhà sư cũng vân tập tại chính điện của tu viện để tụng kinh Phật sáu lần một ngày trong nhiều ngày liên tiếp.